KAKEIBO – PHƯƠNG PHÁP TIẾT KIỆM VÀ QUẢN LÝ CHI TIÊU BẤT HỦ CỦA NGƯỜI NHẬT

kakeibo

Kakeibo là một trong những phương thức quản lý tài chính cá nhân đã được tôi áp dụng trong nhiều năm liền. Phương pháp này vô cùng đơn giản bới chỉ cần giấy và bút, bạn đã có một kế hoạch chi tiêu khoa học và hiệu quả. Hãy cùng tôi khám phá về Kakeibo qua bài viết dưới đây.

Kakeibo là gì?

Kakeibo trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là một cuốn nhật ký thu chi (được phát âm là “kah-keh-boh”). Trong cuốn nhật ký này, chúng ta sẽ ghi chép các khoản thu nhập và các khoản chi tiêu, mục đích chủ yếu là để tiết kiệm nhiều hơn.

Theo cuốn “Kakeibo: Nghệ thuật tiết kiệm của người Nhật” của Fumiko Chiba, Kakeibo xuất hiện từ năm 1904, khi đó nó được nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản, cô Hani Motoko, giới thiệu cho các bà nội trợ nhằm mục đích quản lý ngân sách của gia đình.

 kakeibo

Điều khiến Kakeibo đặc biệt là phương pháp này không có sự xuất hiện của bất kỳ phần mềm, app hay bảng tính Excel nào. Vậy làm thế nào để nó có thể quản lý chi tiêu hiệu quả?

Tuy không chứa đựng tất cả những tính năng tuyệt vời nhưng Kakeibo lại có thể giúp bạn tiếp cận được thói quen sử dụng đồng tiền hàng ngày một cách chi tiết nhất và chắc chắn sẽ giúp đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn. Khi sử dụng thuật Kakeibo, bạn sẽ học được “tiết kiệm tiền là tiêu tiền hợp lý”. Thay vì nhấn mạnh những thứ bạn không thể chi tiền vào, hãy chuyển mọi sự tập trung vào những thứ bạn thực sự cần chi tiền.

Theo Kakeibo, bạn cần tự đặt cho mình các câu hỏi sau trước khi ra quyết định mua sắm:

  1. Tôi có thể sống mà không có vật này không?
  2. Theo tình hình tài chính hiện tại, tôi có đủ khả năng chi trả không?
  3. Tôi thật sự sẽ sử dụng nó chứ?
  4. Tôi có đủ không gian để chứa nó không?
  5. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó như thế nào nhỉ? Có phải tôi đã thấy nó trên tạp chí? Hay tôi lướt qua nó sau khi lang thang vào một cửa hàng quà tặng?
  6. Trạng thái cảm xúc tổng quan ngày hôm nay của tôi là gì? (Bình tĩnh, căng thẳng, vui mừng, tồi tệ,…)
  7. Tôi cảm thấy thế nào về việc mua món đồ này? (Vui vẻ, thú vị, chẳng có gì thú vị,…) Và cảm xúc này liệu sẽ kéo dài bao lâu?

Mục đích của việc tự hỏi bản thân những câu hỏi này là giúp bạn phân biệt rạch ròi giữa nhu cầu và ước muốn. Hơn thế, nó bắt buộc bạn phải thực sự nghĩ về các khoản chi tiêu và điều đang thôi thúc bạn mua sắm mỗi ngày. Từ đó, giúp bạn đưa ra các quyết định chi tiêu nhanh và logic hơn.

Làm thế nào để bắt đầu quản lý tiền bạc với  Kakeibo?

Cách đơn giản nhất là vào mỗi đầu tháng, bạn ngồi xuống với kakeibo của riêng mình và suy nghĩ kỹ về số tiền bạn muốn tiết kiệm và những gì bạn cần làm để đạt được mục tiêu đó. Để trợ giúp cho quá trình này, Kakeibo đưa ra cho bạn bốn câu hỏi chính cần xem xét:

  1. Bạn đang có bao nhiêu tiền?

Tính toán điều này bằng cách khấu trừ bất kỳ chi tiêu cố định (chẳng hạn như tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày, xăng xe…) từ tiền lương hàng tháng của bạn.

  1. Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu?

Đặt cho mình một mục tiêu chi tiêu tiết kiệm và sử dụng mục tiêu này để tính giới hạn chi tiêu hàng tuần mà bạn sẽ cần tuân thủ để đáp ứng mục tiêu tiết kiệm của mình.

  1. Bạn chi bao nhiêu mỗi ngày?

Giữ một nhật ký chi tiêu của bạn bằng cách ghi lại tổng số chi tiêu hàng ngày của bạn bên cạnh các danh mục bạn chọn.

  1. Làm thế nào bạn có thể cải thiện tình hình tài chính?

Suy nghĩ về sự tiến bộ của bạn vào cuối mỗi tuần và tháng, để xem bạn có đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu của mình không. Hãy suy nghĩ về những gì bạn sẽ thay đổi cho tháng tới.

Để đi đúng hướng, trước hết, nhiệm vụ của bạn là ghi nhật ký chi tiêu của mình bằng cách viết ra tổng số chi tiêu hàng ngày bên cạnh danh mục tương ứng. Thứ hai, bạn cần dành thời gian vào cuối mỗi tuần và tháng để kiểm tra bạn đang làm thế nào, và có đúng như kế hoạch bạn đã đề ra hay không.

Với cách tiết kiệm này, hãy nhớ luôn kiểm tra vào mỗi ngày kế tiếp hoặc khi có thời gian rảnh để thấy bạn đang tiến bộ mỗi ngày. Điều này sẽ tạo động lực để bạn mạnh tay cắt giảm những chi tiêu thừa thãi. 

Các gợi ý chi tiêu thông minh của Kakeibo:

Để lại vật đó trong 24 giờ

Điều này cho thấy bạn có thật sự cần món đồ này hay không. Và nếu sau 24 giờ (hoặc một khoảng thời gian khác mà bạn thấy phù hợp với mình) mà bạn vẫn muốn có sản phẩm đó và có đủ khả năng chi trả thì lúc này hãy mua. Chắc chắn rằng, khả năng bạn hối hận với quyết định của mình là rất thấp.

Thận trọng với những cuộc “đại hạ giá”

Chúng ta thường đổ rất nhiều tiền bạc vào những đợt giảm giá mạnh (điển hình là các đợt sale khủng trên các trang thương mại điện tử) bởi vì nghĩ mình sẽ không có cơ hội mua được món đồ đó với giá “hời” như vậy nữa, nhưng lại quên để ý đến nhu cầu thực tế của mình.

Đừng để hiệu ứng “sợ mất” (fear of missing out) khiến bạn đổ tiền vào những lần giảm giá. Hãy tự hỏi bạn thân rằng liệu bạn có sẵn sàng mua món hàng này nếu chúng không giảm giá hay không? Nếu câu trả lời là có, lúc này bạn có thể mua.

Thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng

Kiểm tra số dư tài khoản cho bạn cảm giác kiểm soát tài chính cá nhân tốt hơn, vì điều này khiến bạn tập trung vào một số tiền sẽ giảm đi khi bạn mua sắm một thứ gì đó.

Thử tiêu tiền mặt

Thanh toán bằng thẻ hay các ứng dụng trung gian ( Momo, Airpay, Zalopay,…) khiến bạn không có nhiều cảm giác là mình đang sử dụng tiền. Trong khi đó, dùng tiền mặt sẽ giúp bạn ý thức hơn về những vật phẩm bạn đang chi tiền vào. 

Bạn có thể thử cách này bằng việc lấy ra một lượng tiền mặt để dùng trong một tuần, và chỉ sử dụng trong phạm vi đó.

Thay đổi những môi trường khiến bạn phải tiêu tiền

Nếu các bạn cảm thấy rằng mình thường tiêu nhiều tiền hơn sau khi mở một email quảng cáo hay nhìn thấy ảnh của người nổi tiếng trên facebook đang sử dụng một nhãn hiệu thời trang nào đó, thì hãy tạm thời bỏ theo dõi đi. Hoặc nếu bạn mua quần áo, đồ trang điểm khi rảnh rỗi, thì hãy cố sử dụng khoảng thời gian đó để làm một việc khác như đọc sách, luyện viết content hay tập thể dục chẳng hạn.

Trên đây là những chia sẻ và kinh nghiệm của tôi về việc sử dụng cách thức quản lý tài chính đã được người Nhật áp dụng lâu đời để có thể kiểm soát các khoản thu-chi hợp lý hơn. Các bạn có thể thử áp dụng “phương pháp thần thánh” bởi sự đơn giản và tính hiệu quả của nó.

Nếu bạn thấy bài viết này bổ ích, đừng quên để lại một comment chia sẻ cảm nghĩ của bạn và lan tỏa những thông tin trên để nhiều người biết đến hơn.

Bạn có thể tìm thấy Thông Quốc Quyền qua các kênh:

Facebook:  https://www.facebook.com/thongquocquyenprofile/

Fanpage: https://www.facebook.com/thongquocquyenoffcial

Website: http://thongquocquyen.com/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCKCf2vDxfvFRojMmC98WkAA

Thông Quốc Quyền

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *