Những người không hiểu được sự im lặng của người khác, thì cũng chẳng hiểu được những gì họ nói.” – Elbert Hubbard.
“Để thấu hiểu được một sự thật, cần có hai người – một người để nói và một người để lắng nghe.” – Henry David Thoreau.
“Nói những gì mà bạn nghĩ, cũng quan trọng như là nghĩ những gì mà bạn nói.” – Khuyết danh.
Đã xa rồi cái thời mà con người thường mang IQ để đọ trí thông minh với nhau. Vì
- Người thông minh, học giỏi mà nói kém thì chắc gì đã thành công.
- Kẻ lười biếng mà có cái miệng ứng xử linh hoạt đôi khi lại làm nên kỳ tích
Kỹ năng giao tiếp là bước cơ bản đầu tiên giúp bạn gây thiện cảm với mọi người xung quanh. Bất kể tình huống nào, giao tiếp cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì thông qua giao tiếp, bạn có cơ hội hiểu hơn về mọi người xung quanh và là phương thức để người khác hiểu về con người, tính cách của bạn.
Trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh như ngày nay, chuyên môn giỏi, hết mình với công việc chưa hẳn là chưa đủ để mang lại cho bạn một vị trí xứng đáng. Mỗi người cần phải nỗ lực làm việc, học hỏi thật nhiều trên con đường xây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng cho dù có chất cả núi kiến thức trong bụng, đổ hàng tấn công sức cho công việc mà không có sự trao đổi thông tin với mọi người, không có sự giúp đỡ hay nhất là không có sự tin tưởng của người khác, bạn cũng khó gặt hái được thành công. Kỹ năng giao tiếp chính vì vậy ngày càng là bí kíp không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại. Mục tiêu của giao tiếp:
- Giúp người nghe hiểu những dự định của bạn.
- Có được sự phản hồi từ người nghe
- Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người nghe.
- Truyển tải những thông điệp.
Giao tiếp thành công là cả một nghệ thuật mà bạn phải là người chủ động học hỏi và rèn luyện từng bước. Để cuộc giao tiếp đạt kết quả như mong muốn, điều đầu tiên bạn phải đặt tâm trí vào buổi trò chuyện. Thông qua cuộc tiếp xúc, bạn phải tự đặt cho bản thân câu hỏi: bạn mong muốn truyền tải nội dung gì đến người nghe?
Giao tiếp chính là cầu nối. Thật vậy, khi bạn giao tiếp nghĩa là bạn đang bắc một chiếc cầu đến gần hơn với người nghe, giúp người nghe hiểu được nội dung bạn muốn truyền tải, người giao tiếp giỏi là người có khả năng kết nối các cá nhân, giải quyết mâu thuẫn. Trên tất cả, để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi đòi hỏi bạn phải là người đạt được trình độ giao tiếp tốt để gắn kết tinh thần đoàn kết của nhân viên, khích lệ và tiếp lửa cho nhân viên của mình.
Giao tiếp tốt sẽ giúp bạn tạo ra văn hóa hòa nhập một cách nhanh chóng, tránh được những bỡ ngỡ ban đầu và dẫn bạn đến những mối quan hệ mới.
Dưới đây là chia sẻ với bạn 12 cách giao tiếp hiệu quả nhất để thành công trong mọi lĩnh vực:
1. Khi bắt đầu một cuộc gặp, cần chuẩn bị một số vấn đề để thảo luận cũng như các câu hỏi có liên quan. Nếu bạn đã từng gặp một người nào từ trước đó, cố gắng nhớ những thông tin về anh ấy, các thói quen, sở thích hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan đến cả bạn và anh ta.
2. Đầu tiên hãy nói lời chào. Nếu bạn không chắc họ nhớ tên của mình thì hãy giới thiệu tên của bạn để tránh bị bối rối. Cười và bắt tay đối tác.
3. Giới thiệu về mình, cố gắng nhớ tên của đối tác và nên sử dụng thường xuyên.
4. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng các câu hỏi mở. Ví dụ “Mọi người tham dự có vẻ rất đầy đủ, anh đến đây được bao lâu rồi?” Hoặc bạn cũng có thể hỏi về các chuyến đi, hỏi xem họ có quen biết những vị khách khác không, và quen trong trường hợp nào.
5. Lắng nghe và đưa ra các ý kiến phản hồi để thể hiện bạn là người rất quan tâm đến câu chuyện của đối tác. Mắt nhìn đối tác, đừng bao giờ liếc quanh căn phòng trong khi họ đang nói.
6. Bạn nên lắng nghe nhiều hơn nói.
7. Hãy đóng góp ý kiến một cách tích cực. Luôn cập nhật thông tin, sự kiện để câu chuyện thêm phong phú. Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về vấn đề…? “Bạn đã bao giờ nghe…” …Tuy nhiên, cũng cần tránh đưa quá nhiều chủ đề bởi như vậy rất dễ rơi vào tình trạng lan man, nhàm chán.
8. Hãy tiếp cận và liên kết mối quan hệ giữa nhiều người với nhau trong cuộc gặp để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
9. Nếu một ai đó đưa cho bạn một tấm card, hãy đón nhận như là một món quà. Cầm bằng cả hai tay, và dành một chút thời gian để đọc nó. Khi đã đọc xong, cất tấm card vào trong túi áo hoặc trong ví để khẳng định giá trị của nó.
10. Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Nó sẽ chỉ rõ bạn là người như thế nào. Do vậy, dù muốn hay không, khi nói chuyện với người khác cũng phải thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin để người khác cảm thấy bạn là người nhiệt tình.
11. Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy quan sát và lắng nghe những phản ứng của đối tác để có những điều chỉnh thích hợp.
12. Khi kết thúc cuộc gặp, hãy chắc rằng bạn rời đi một cách tế nhị. Ví dụ “Xin lỗi, tôi có một chút việc ở đằng kia, hẹn gặp lại anh nhé!”
Nhớ rằng, mục tiêu trong cuộc gặp là để lại ấn tượng tốt với mọi người, tạo dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với đối tác. Vì thế bạn cần phải khéo léo, nhanh nhạy trong mọi tình huống, nói ngắn gọn và luôn thể hiện sự nhiệt tình.
Giao tiếp không phải hoàn toàn đóng vai trò quan trọng nhất, nhưng kỹ năng mềm này lại thực sự cần thiết đầu tiên để giúp bạn đạt đến một thành công nhất định nào đó trong cuộc sống, sự nghiệp. Để giao tiếp tốt không phải một sớm chiều bạn có thể đạt được, bởi vì điều này mà đã có rất nhiều người- kể cả những danh nhân vĩ đại cũng đều phải ra sức học tập, rèn luyện mới có thể đứng trước hàng vạn người truyền tải thông điệp một cách linh hoạt và thuyết phục.
Nếu bạn thấy bài viết này bổ ích, đừng quên để lại một comment chia sẻ cảm nghĩ của bạn và lan tỏa những thông tin trên để nhiều người biết đến hơn.
Bạn có thể tìm thấy Thông Quốc Quyền qua các kênh:
Facebook: https://www.facebook.com/thongquocquyenprofile/
Fanpage: https://www.facebook.com/thongquocquyenoffcial
Website: http://thongquocquyen.com/
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCKCf2vDxfvFRojMmC98WkAA